Thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường

Sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang trở thành xu thế phát triển và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam trong những năm tới.

Sử dụng gạch không nung xi măng cốt liệu góp phần bảo vệ môi trường trong khi vẫn đạt hiệu quả kinh tế vượt trội.

Việc sử dụng các vật liệu xây dựng truyền thống đang tác động xấu đến môi trường, gây ra nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, hiệu ứng nhà kính và các loại khí thải độc hại cho môi trường. Do đó, vấn đề của ngành xây dựng là phải ưu tiên phát triển các loại vật liệu mới thân thiện môi trường, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho thấy, việc phát triển dòng vật liệu thân thiện với môi trường còn giúp sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) mỗi năm để sản xuất vật liệu không nung; tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Trên thế giới, vật liệu xây dựng xanh như gạch bê tông, gạch nhẹ khí chưng áp, gạch nhựa tái chế, gạch cao su tái chế… đã và đang được sử dụng ở nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore… Tại các nước phát triển, tỷ lệ gạch không nung chiếm 70% trong các công trình xây dựng. PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học Xây dựng) cho rằng, việc sản xuất gạch từ đất sét nung đang tạo ra những áp lực vô cùng lớn đến môi trường sống của con người. Do đó, cần phải dần thay thế và loại bỏ hoàn toàn loại vật liệu xây dựng truyền thống này.

Tại thị trường Việt Nam hiện nay, các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường cũng ngày càng đa dạng hơn, hạng mục vật liệu không nung có gạch bê tông khí chưng áp, panel bê tông khí chưng áp, gạch bê tông, panel bê tông rỗng đùn ép. Cùng đó, kính Low-E và kính Solar Control mới có khả năng giảm sự truyền nhiệt vào công trình, từ đó giảm công suất điều hòa cũng như điện năng tiêu thụ… Nhiều nhà máy đã sản xuất ngói lợp không nung, cát nghiền, cốt liệu tái chế từ nguồn phế thải công nghiệp. Ngoài ra, còn rất nhiều vật liệu xây dựng khác sử dụng phế thải công nghiệp tro, xỉ nhiệt điện như: xi măng, gạch bê tông lát hè, gạch đất sét nung, bê tông trộn sẵn… để giảm tỷ lệ sử dụng vật liệu thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên. Xu hướng phát triển đô thị thông minh, công trình xanh đang được chú trọng chính là thời cơ cho các vật liệu xây dựng xanh phát triển. Định hướng trong tương lai, vật liệu xây dựng không nung sẽ thay thế gạch đất sét nung, giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội.

Tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện là nguồn cung cho việc phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện đã có nhiều chính sách, nghị định nhằm khuyến khích phát triển các loại vật liệu thân thiện môi trường. Theo đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; đồng thời có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Ứng dụng xu hướng xây dựng tiên tiến cho các công trình như lựa chọn vật liệu xanh, trong đó có gạch không nung, kính tiết kiệm năng lượng, sơn thân thiện với môi trường… Thời gian tới, ngoài việc ứng dụng gạch không nung cho các công trình xây dựng, chúng tôi sẽ còn hướng đến các loại vật liệu xanh khác.

Trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp xây dựng. Theo Bộ Xây dựng, năm 2020, nhu cầu sử dụng gạch nung của Việt Nam khoảng 42 tỷ viên. Nếu đáp ứng nhu cầu này thì sẽ phải tiêu tốn từ 50 – 70 triệu m3 đất, tương đương với khoảng 3.000 ha đất nông nghiệp, tiêu thụ khoảng 6 tỷ tấn than nung và thải ra môi trường khoảng 23 tỷ tấn CO2.

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Các nhóm sản phẩm